Mỗi khi hữu sự, muốn biết sự việc tốt hay xấu thế nào, thì người xưa thường xem quẻ Dịch để nhận được câu trả lời từ quẻ Dịch qua phương pháp đoán theo sáu hào. Phương pháp gieo quẻ cụ thể như sau:
Dùng ba đồng tiền cổ, thường là những đồng xu bằng đồng, và quy ước: 1 mặt có chữ là mặt dương, 1 mặt không có chữ là mặt âm. Úp 3 đồng tiền vào giửa 2 lòng bàn tay trong vòng vài phút và suy nghĩ tới việc mình muốn hỏi.
Khi dùng 3 đồng tiền bỏ vào lòng bàn tay, úp 2 tay lại để im trong vài phút làm cho từ trường của đồng tiền và từ trường của con người liên thông với nhau.
Trong cuộc sống hằng ngày, bất cứ việc gì có liên quan cũng làm ta xúc cảm. Xúc cảm thì sẽ phát ra thông tin, nên chỉ cần ở trong lòng chăm chú nghĩ về việc mình dự đoán, đó gọi là tập trung ý niệm, sẽ phát tin tức ra ngoài.
Chỉ khi ý niệm của người xin đoán tập trung thì đồng tiền mới thông qua phản hồi thông tin để phản ánh một cách chính xác trung thực qua mặt sấp, mặt ngửa của nó.
Khi gieo quẻ cần tìm chỗ yên tinh, thành tâm, quần áo chỉnh tề, tập trung vào câu cần hỏi, nắm 3 đồng xu trong lòng 2 bàn tay chừng vài phút cho tinh thần tập trung thanh thản chuyên nhất vào câu hỏi, sau đó gieo 3 đồng xu trên 1 cái đĩa, gieo tất cả 6 lần để lập quẻ.
Kết quả gieo quẻ:
– 1 đồng ngửa, 2 đồng sấp: Hào âm ghi một vạch đứt : — —
– 2 đồng ngửa, 1 đồng sấp : Hào dương một vạch liền : ———
– 3 đồng đều ngửa : Hào âm động (lão âm) ghi thêm: — — x
– 3 đồng đều sấp : Hào dương động ( lão dương ) ghi : ——— o
Hào có vòng tròn “o” là hào dương động, hào có dấu “x” gọi là hào âm động.
Trong quẻ hào có vòng tròn “o” và hào có dấu “x” gọi là hào động. Động thì biến, dương động biến thành âm, âm động biến thành dương.
Trong một quẻ sáu hào toàn động thì toàn biến, sáu hào đều không động là không biến. Một vạch liền là “thiếu dương”, 2 vạch đứt là “thiếu âm”. Vòng tròn “o” là “lão dương” chủ về việc quá khứ, dấu “x” là “lão âm” chủ về việc tương lai. Vòng tròn “o” là hào động, dấu “x” là hào biến. Dưới đây là 1 quẻ làm ví dụ:
Thứ tự quẻ theo các lần sắp xếp từ dưới lên:
Lần 6: N N N – 3 đồng đều ngửa : Hào âm động (lão âm) ghi thêm: — — x
Lần 5: N N S – 2 đồng ngửa, 1 đồng sấp : Hào dương một vạch liền : ———
Lần 4: S S S – 3 đồng đều sấp : Hào dương động ( lão dương ) ghi : ——— o
Lần 3: N S S – 1 đồng ngửa, 2 đồng sấp: Hào âm ghi một vạch đứt : — —
Lần 2: N S S – 1 đồng ngửa, 2 đồng sấp: Hào âm ghi một vạch đứt : — —
Lần 1: S S S – 3 đồng đều sấp : Hào dương động ( lão dương ) ghi : ——— o
Lúc xếp hào thì xếp từ dưới lên trên. Lúc xếp tên quẻ thì lại xếp từ trên xuống dưới. Quẻ này có quẻ nội là Chấn, quẻ ngoại là Đoài, là kim trên, mộc dưới, là quẻ “Trạch lôi tùy”.
Quẻ ngoại: Đoài vi trạch.
Lần 6: N N N – 3 đồng đều ngửa : Hào âm động (lão âm) ghi thêm: — — x
Lần 5: N N S – 2 đồng ngửa, 1 đồng sấp: Hào dương một vạch liền : ———
Lần 4: S S S – 3 đồng đều sấp : Hào dương động ( lão dương ) ghi : ——— o
Quẻ nội: Chấn vi lôi.
Lần 3: N S S – 1 đồng ngửa, 2 đồng sấp: Hào âm ghi một vạch đứt : — —
Lần 2: N S S – 1 đồng ngửa, 2 đồng sấp: Hào âm ghi một vạch đứt : — —
Lần 1: S S S – 3 đồng đều sấp : Hào dương động ( lão dương ) ghi : ——— o
Người xưa trong thực tiễn dự đoán đã phát hiện bát quái và ngũ hành có quan hệ mật thiết với nhau.
Căn cứ vào kinh nghiệm thực tiễn đã tổng kết ra các thuộc tính của các quẻ trong 8 cung, đồng thời phát hiện ra 6 hào của mỗi quẻ lại có thuộc tính với ngũ hành của nó và hàm chứa một thông tin nào đó, gọi là “tượng hào”.
Để cung cấp cho độc giả tham khảo, dưới đây xin giới thiệu ý nghĩa của từng quẻ Dịch trong 64 quẻ Dịch, và ý nghĩa của từng tượng hào trong mỗi quẻ Dịch.
Quẻ 17 |::||: Trạch Lôi Tùy (隨 suí)
Quẻ Trạch Lôi Tùy, đồ hình |::||: còn gọi là quẻ Tùy (隨 sui2), là quẻ thứ 17 trong Kinh Dịch. Quẻ được kết hợp bởi Nội quái là ☳ (|:: 震 zhen4) Chấn hay Sấm (雷) và Ngoại quái là ☱ (||: 兌 dui4) Đoài hay Đầm (澤).
Giải nghĩa: Thuận dã. Di động. Cùng theo, mặc lòng, không có chí hướng, chỉ chiều theo, đại thể chủ việc di động, thuyên chuyển như chiếc xe. Phản phúc bất định chi tượng: loại không ở cố định bao giờ.
Dự là vui vẻ, vui vẻ thì có nhiều người theo nên tiếp sau là quẻ Tùy. Tùy là theo.
Thoán từ
隨: 元, 亨, 利, 貞, 无咎.
Tùy: Nguyên, hanh, lợi, trinh, vô cữu.
Dịch: Theo nhau: rất hanh thông, nhưng phải theo điều chính đáng, vì điều chính đáng (trinh) mới có lợi, không có lỗi.
Giảng: Đoài ở trên là vui vẻ, Chấn ở dưới là động; đó là cái tượng hành động mà được người vui theo.
Lại có thể giảng: Chấn là sấm, Đoài là chằm, sấm động ở trong chằm, nước chằm theo tiếng sấm mà cũng động, cho nên gọi là tùy.
Lời thoán từ quẻ này chỉ khác lời Thoán từ quẻ Càn vì có thêm hai chữ “vô cữu” (không có lỗi) ở sau, mà nghĩa thay đổi hẳn. Chu Hi: nguyên hanh (rất hanh thông) là “đức” (tính cách) của Tùy; còn trinh (chính đáng) là điều kiện để cho Tùy có lợi mà không có lỗi.
Theo người nhưng phải theo cái hay, theo đạo ; người có rất thiện (nguyên) , việc có thông thuận (hanh), có cái lợi công (lợi), thì mới nên theo, và khi theo thì phải giữ tiết tháo (trinh) thì mới không có lỗi.
Đại khái ba cách hiểu đó cũng không khác nhau mấy. Mà quẻ Tùy so với quẻ Càn thì kém xa.
Thoán truyện bàn rộng thêm, đưa một điều kiện nữa: Theo mà phải đúng thời mới được.
Ví dụ thời Hán, Vương Mãng cũng đã muốn làm một cuộc cách mạng xã hội; rất công bằng, tốt; nhưng thời đó sớm qua, nên thất bại. Tới đời Tống, Vương an Thạch cũng thất bại, như vậy là không hợp thời. Và Thoán truyện nhấn mạnh vào cái nghĩa tùy thời đó. (Tùy thời chi nghĩa đại hĩ tai!)
Hào từ:
1.
初九: 官有渝, 貞吉, 出門交有功.
Sơ cửu: Quan hữu du, trinh cát, xuất môn giao hữu công.
Dịch: Hào 1, dương : chủ trương thay đổi, hễ chính thì tốt, ra ngoài giao thiệp thì có công.
Giảng: chữ “quan” ở đây có nghĩa là chủ, chữ “du” có nghĩa là thay đổi . Chu Hi hiểu là chủ trương thay đổi.
Hiểu theo cách nào thì vẫn : cứ chính đáng, theo lẽ phải, thì tốt (trinh cát). Đừng theo tư tình, mà theo người ngoài (xuất môn) nếu họ phải , thì thành công.
2.
六二: 係小子, 失丈夫.
Lục nhị: Hệ tiểu tử, thất trượng phu.
Dịch: Hào 2, âm: Ràng buộc với kẻ thấp kém (nguyên văn là : con nít) mà mất kẻ trượng phu.
Giảng: Hào này âm nhu,không biết giữ mình, gần đâu tùy đấy, nên ràng buộc với hào 1 dương (tiểu tử), mà bỏ mất hào 5 cũng dương , ở trên, ứng hợp với nó.
Quẻ này, hễ là hào âm thì không dùng chữ tùy là theo, mà dùng chữ hệ là ràng buộc, có ý cho rằng âm nhu thì vì tư tình, hoặc lợi lộc mà quấn quít, còn dương cương thì vì chính nghĩa mà theo.
3.
六三: 係丈夫, 失小子; 隨有求得, 利居貞.
Lục tam: Hệ trượng phu, thất tiểu tử;
Tùy hữu cầu đắc, lợi cư trinh.
Dịch: Hào 3, âm: Ràng buộc với trượng phu, bỏ kẻ thấp kém; theo như vậy cầu xin cái gì thì đựơc đấy, nhưng phải chính đáng mới có lợi.
Giảng: Hào này cũng âm nhu như hào 2, gần đầu thân cận đấy, cho nên thân với hào 4 dương cương, có địa vị ở trên (tức với trượng phu) mà bỏ hào 1 (tiểu tử). Nó xin 4 cái gì cũng được vì 4 hơi có thế lực; nhưng Hào từ khuyên đừng xu thế trục lợi, phải giữ tư cách chính đáng thì mới tốt.
4.
九四: 隨有獲, 貞凶.有孚, 在道, 以明何咎.
Cửu tứ: Tùy hữu hoạch, trinh, hung.
Hữu phu, tại đạo, dĩ minh hà cữu.
Dịch: Hào 4, dương : Theo thì thu hoạch được lớn đấy, nhưng dù lẽ vẫn ngay mà cũng có thể gặp hung được. Cứ giữ lòng chí thành, theo đạo lý, lấy đức sáng suốt mà ứng phó thì không có lỗi.
Giảng: Hào này như một vị cận thần, được vua tin cậy (5 và 4 cùng là dương cả), ở vào thời Tùy là thiên hạ theo mình, như vậy thu hoạch được lớn (có thể hiểu là được lòng dân, hoặc lập được sự nghiệp); nhưng chính vì vậy mà có thể gặp hung. Cho nên Hào từ khuyên giữ lòng chí thành theo đạo lý sáng suốt ứng phó (nghĩa là có đủ ba đức: tín, nhân, trí) thì mới khỏi lỗi.
5.
九五: 孚于嘉, 吉.
Cửu ngũ: phu vu gia, cát.
Dịch: Hào 5, dương. Tín thành với điều thiện thì tốt.
Giảng: Hào 5, dương cương, ở vị tôn, trung và chính, lại ứng hợp với hào 2, cũng trung chính, cho nên rất tốt. “Gia” , điều thiện, ở đây là đức trung chính.
6.
上六: 拘係之, 乃從維之.王用亨于西山.
Thượng lục: câu hệ chi, mãi tòng duy chi.
Vương dụng hanh vu Tây Sơn.
Dịch: Hào trên cùng, âm. Ràng buộc lấy, theo mà thắt chặt lấy; Thái Vương nhà Chu, được nhân tâm như vậy mới lập được nghiệp vương hanh thịnh ở Tây sơn (tức Kỳ sơn).
Giảng: Hào này ở cuối quẻ Tùy, là được nhân tâm theo đến cùng cực, như thắt chặt với mình, như vua Thái Vương nhà Chu, lánh nạn rợ Địch, bỏ ấp Mân mà chạy sang đất Kỳ Sơn (năm -1327), người ấp Mân già trẻ trai gái dắt díu nhau theo, đông như đi chợ.
Quẻ này khuyên chúng ta chỉ nên theo chính nghĩa (chứ đừng vì tư tình, vì lợi) và biết tùy thời, như vậy thì tốt tới cùng được (hào cuối, đạt đến cực điểm mà vẫn không xấu.) (st)
Phong Thủy Trọng Hùng
0937.85.1992