Hiện nay, phong tục thờ ông Táo vẫn còn tồn tại ở nhiều gia đình Việt, nhất là vùng nông thôn. Một số gia đình có người lớn tuổi ở thành thị cũng còn thờ Táo quân trong nhà bếp. Mặc dù không còn nấu ăn bằng bếp đất sét “ba đầu rau,” mà thay bằng bếp than, dầu, gas… nhưng họ vẫn còn bàn thờ ông Táo như ông Thần coi sóc việc nhà, giữ gìn sức khỏe cho trẻ nhỏ.
Thổ công gồm 2 ông và 1 bà (Tranh dân gian)
Cúng ông Công, ông Táo trong bếp hay trên bàn thờ?
Theo chuyên gia phong thủy, trong lễ cúng ông Công ông Táo, nếu nhà bạn có bàn thờ Táo quân (thường đặt gần bếp) thì thắp hương ở bàn thờ này. Nếu không có bàn thờ Táo quân riêng thì phải thắp hương ở bàn thờ thần linh hoặc gia tiên chứ không nên cúng lễ ở bếp vì từ xưa đến nay, bàn thờ luôn được coi là ăng ten để giao tiếp giữa hai thế giới âm dương, giữa người trần thế và thần linh.
Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy.
Không nên cúng ở trong bếp.
Lễ vật để cúng ông Táo
Thổ công tức Táo quân là vị thần có nhiệm vụ ghi chép mọi việc tốt xấu xảy ra trong mỗi gia đình. Lễ cúng ông Công ông Táo quan trọng nhất là Tết Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp. Trong lễ này, sau khi cúng xong, ông Táo lên chầu Thượng đế để báo cáo những điều tai nghe mắt thấy ở trần thế mà mình đã ghi chép được.
Để chuẩn bị cho ông Táo lên trời, thời xưa các gia đình sẽ đốt vàng mã, mũ áo, hia của năm trước và phóng sinh một con cá chép để làm “ngựa” cho ông Táo cưỡi. Người ta tin rằng sau khi cúng, cá sống cùng tro của vàng mã mũ áo được đổ ra sông hay ao hồ thì ông Công sẽ nhận được. Con cá sau khi phóng sinh sẽ hóa rồng để đưa ông Công lên trời. Còn thời nay, nhiều gia đình thường không thờ mũ áo cả năm mà đến dịp Tết ông Táo mới mua và sau khi cúng xong cũng hóa ngay.
Do ý nghĩa của lễ là như vậy nên để sắm lễ cúng ông Táo, trước hết phải mua mũ, áo, hia. Mũ Thổ công phải có 3 chiếc gồm 1 chiếc đàn bà và 2 chiếc đàn ông. Mũ đàn ông có cánh chuồn còn mũ đàn bà không có. Màu sắc của mũ thì tùy theo nạp âm ngũ hành của năm mà chọn. Chẳng hạn năm mang hành mộc thì chọn màu xanh, hành kim màu trắng, hành hỏa màu đỏ, hành thổ màu vàng và hành thủy màu đen. Như năm Bính Thân 2016 là thuộc hành hỏa thì mũ cho ông Táo sẽ là mũ màu đỏ. Kèm theo mũ là quần áo, hia và 100 nén vàng.
Ở một số nơi còn có tục đốt ngựa vàng mã biếu ông Táo thì cũng có thể chọn màu ngựa theo ngũ hành. Sau mũ áo, một vật phổ biến nữa phải có là con cá chép sống thả trong chậu nước để sau cuộc lễ sẽ phóng sinh ra ao hồ.
Về cỗ cúng ông Táo, gia chủ có thể lễ chay hay mặn đều được. Lễ chay thì gồm có giấy vàng, giấy bạc, tờ tiền, cau trầu, nước và hoa quả. Nếu gia chủ muốn cúng lễ mặn thì có thể cúng giò chả, chân giò, xôi và các món ăn cổ truyền khác. Tuy nhiên có một số loại thịt người ta kiêng không đem cúng. Chẳng hạn như các món làm từ Vịt, chim, ngỗng, trâu, bò, dê, chó. Nói chung cỗ đem cúng phổ biến là làm từ thịt lợn, thịt gà.(st)
Phong Thủy Trọng Hùng
0937.85.1992